Học gì để ra làm Resort ở Việt nam??

Ngoài quản lý nhà hàng - khách sạn, các resort còn tuyển nhân sự có chuyên môn về sales, marketing, truyền thông, thể thao, tổ chức sự kiện, spa… và cả những lĩnh vực mà bạn không ngờ tới!

Hai ngành học được săn đón

Mô hình khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp ngày càng nở rộ, đặc biệt ở các thành phố ven biển, đem đến nhiều cơ hội nghề nghiệp vô cùng tiềm năng cho các du học sinh về nước. Tất nhiên sinh viên tốt nghiệp ngành nhà hàng - khách sạn luôn là những người được săn đón nhất, bởi họ được đào tạo bài bản về lĩnh vực này. Các khóa học quản lí nhà hàng khách sạn với kiến thức về quản lí, khách sạn và nhà hàng, du lịch, vận tải… giúp họ không còn bỡ ngỡ với môi trường làm việc. Chưa kể, việc các chương trình học về Công nghiệp Dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn cho phép học viên lựa chọn những chuyên ngành phụ như Sự kiện (Thể thao, Văn hóa, Biểu diễn hòa nhạc, Triển lãm) hay Hội nghị, Nhà hàng, Resort, còn cho phép họ mở rộng chuyên môn của mình.

Còn đối với những ai học ngoại ngữ thì đơn giản vì đây là kĩ năng cần thiết nhất trong môi trường này. Không chỉ những vị trí bắt buộc như phiên dịch viên hay quan hệ khách hàng, mà những vị trí cần trò chuyện với khách như phục vụ, spa, tiền sảnh cũng cần phải biết tiếng Anh. Với tình hình phát triển du lịch ở Việt Nam hiện nay, việc biết thêm hai ngoại ngữ thậm chí còn là yêu cầu tuyển dụng ở những resort lớn (đặc biệt là tiếng Nhật, tiếng Hàn hoặc tiếng Trung).

NHỮNG NGÀNH “PHỤ MÀ KHÔNG PHỤ”

Theo sự tư vấn của một số chuyên gia quản trị nhân sự tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp thì hoạt động của resort bao gồm rất nhiều bộ phận khác nhau như Quản lý hành chính nhân sự, Sales marketing, Thể thao giải trí và tổ chức sự kiện, Tiền sảnh, Kế toán tài chính, Ẩm thực phục vụ, Kỹ thuật, Buồng phòng và An Ninh. Do đó, các resort rất cần nguồn nhân lực từ nhiều ngành nghề và chuyên môn khác nhau. Có nhiều bạn học những ngành nghề tưởng chừng như không có liên quan gì đến ngành khách sạn du lịch như Quản trị kinh doanh, thương mại nhưng lại có mong muốn và yêu thích ngành này vẫn đã rất thành công với vị trí nhân viên kinh doanh hoặc chăm sóc khách hàng. Quan trọng là các bạn phải nắm được cơ cấu tổ chức các bộ phận và hoạt động của khu nghỉ dưỡng để có định hướng tốt khi đi xin việc và tiếp xúc với đơn vị tuyển dụng.

Chẳng hạn như công việc của bộ phận Thể thao giải trí và tổ chức sự kiện là tổ chức những hoạt động tham quan, thể thao và cả các sự kiện tiệc tùng mừng giáng sinh, năm mới, tuần lễ ẩm thực… Những bạn đang học tập trong lĩnh vực truyền thông, hướng dẫn du lịch hay các loại hình giải trí (leo núi, câu cá, chơi golf…) và chăm sóc sức khỏe cũng có thể tìm được công việc phù hợp chuyên môn. Tất nhiên, những ứng viên có chứng chỉ phụ về bằng cấp thẩm mỹ, vật lý trị liệu hay trang điểm sẽ nhiều lợi thế hơn khi xin việc.


Ngoài ra, các resort lớn còn có thể kiêm luôn các chương trình hội nghị và tổ chức sự kiện, tuyển dụng nhân sự làm công việc thiết kế sáng tạo, âm thanh ánh sáng, công nghệ thông tin… Còn nếu bạn đang học nghề bếp thì quá tốt vì đây là vị trí khá thường xuyên được tuyển, nhưng cũng nên lưu ý là tùy thuộc vào chuyên ngành mà bạn nên đưa ra cho mình những định hướng phù hợp nhất (bếp Á, bếp Âu, tráng miệng, bartender…)

ĐỂ KIẾM VIỆC HIỆU QUẢ

Đối với các du học sinh năm cuối, bạn có thể bắt đầu nhấn “like” trên các trang Facebook những resort mà mình quan tâm – đây chính là kênh đăng tin tuyển dụng xác thực và cập nhật nhất. Ngoài ra, việc nhận thông báo đẩy từ các trang tin tuyển dụng cũng là một cách hay. Những trang này đôi khi còn mang lại cho bạn nhiều bài viết chia sẻ cách tham gia phỏng vấn, chuẩn bị hồ sơ xin việc hiệu quả. Cuối cùng, truyền miệng cũng là phương thức tìm việc nhanh nhạy và hiệu quả mà bạn không nên bỏ qua, nhất là khi bạn có các mối quan hệ với những người làm trong lĩnh vực này.