Cuộc sống ở Phú Quốc

(Source: anvietnam.wordpress.com): “Góc nhỏ Phú Quốc” là chuyên mục tổng hợp những ký ức và trải nghiệm của An về quãng thời gian sống và làm việc ngắn ngủi ở thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc từ cuối tháng 12/2012 đến hết tháng 7/2013.

Sau mấy bài viết về Phú Quốc đăng tải trên blog, vài bạn đã gửi email hỏi về việc đi du lịch “bụi” Phú Quốc, nhất là thể hiện mong muốn được đến Phú Quốc để làm việc, hoặc xa hơn, là muốn ra đây lập nghiệp, định cư luôn. Và tôi nhận thấy một điều mà các bạn muốn biết đó chính là cuộc sống ở Phú Quốc như thế nào.

Đi du lịch thì tôi không nói, vì đã có bài Tổng hợp hướng dẫn du lịch “bụi” Phú Quốc, còn riêng trong bài viết này, tôi sẽ trình bày tất cả những điều mà tôi biết về cuộc sống ở Phú Quốc, xem như câu trả lời chung cho những bạn đồng cảm với cách sống, cách nghĩ của tôi, rằng nếu có cơ hội thì cứ thử bay nhảy, thử dấn bước để học hỏi, trải nghiệm, để được khám phá về một địa danh mới, hiểu hơn về bản thân mình, giúp bản thân ngày càng trưởng thành hơn, và nếu thích, các bạn có thể xem bài viết này như nguồn tư liệu tham khảo cho quyết định sinh sống, làm việc hay định cư, lập nghiệp ở Phú Quốc.

Mong các bạn đọc bài viết này của tôi thật kỹ, cũng như các bài viết khác, để khi liên hệ với tôi và hỏi thêm thông tin gì, thì điều các bạn hỏi là những điều chưa được tôi nhắc tới, và nằm trong khả năng hiểu biết của tôi. Các bạn thông cảm cho, việc bị làm phiền bởi những điều đã được nhắc đến, hoặc những điều tôi không thể nào trả lời nổi, thì thật là đã tốn thời gian, lại còn gây bực bội nữa. Chẳng hạn độc giả đã hỏi tôi những câu hỏi đại loại như thế này: mật độ dân cư ở Phú Quốc như thế nào, tìm việc ở Phú Quốc có cần đến “văn hóa phong bì” hay không (?!?)…

Trước khi vào bài, cho tôi xin vài dòng để kể lể chuyện đầu tiên ra đảo của tôi. Rằng, sau khi đã thỏa thuận về công việc ở đây, tôi mới bắt đầu tìm thông tin về Phú Quốc, chủ yếu qua mạng Internet. Đối với người khác như thế nào tôi không rõ, nhưng đối với tôi, tâm lý bắt đầu một công việc mới, ở một nơi mà mình chưa bao giờ tới, lại là đảo, xa xôi cách trở (trong suy nghĩ của tôi lúc đó), không người thân, khiến tôi rất lo lắng. Tôi tự hỏi, không biết khung cảnh, địa hình ở đó trông như thế nào, ăn uống ra sao, con người ở đó thế nào, họ sống ra làm sao… Chính thế, tôi muốn làm quen với ai đó đang ở Phú Quốc, để hỏi về cuộc sống nơi đây, để tự làm an lòng bản thân mình, và xa hơn, nếu được, có thể cùng tôi đi uống nước, trò chuyện, cho vơi đi nỗi trống vắng trong những ngày đầu tiên ra đảo. Tôi nghĩ những bạn đang muốn làm việc xa ở một nơi mà mình chưa bao giờ bước chân tới chắc sẽ có cảm giác như của tôi lúc đó.

Những thông tin chung về địa lý, lịch sử, du lịch ở Phú Quốc thì có nhiều, nhưng thông tin mà tôi muốn tìm thì rất hiếm. Rồi tôi đọc được một bài viết trên Phuot.vn, trong đó, bạn Tr. có viết rằng bạn là người Sài Gòn, theo lời rủ rê của chị họ mà ra Phú Quốc làm. Tôi thử bắt liên lạc với bạn thì không may, bạn cho biết đã quay lại Sài Gòn.

Người lạ thứ hai liên quan tới Phú Quốc mà tôi quen là bạn T., trên chuyến tàu Rạch Giá – Phú Quốc, tôi ngồi kế bạn. Bình thường, tôi hiếm khi trò chuyện với người lạ, nhưng khi nhìn thấy bạn, có vẻ trẻ, hiền, lại thấy hành lý mang theo là một nồi cơm điện, tôi đoán, bạn này chắc cũng ra đảo làm, nên mỉm cười, chủ động làm quen. Bạn cho biết cũng mới ra đảo hai tuần, vừa xin về Sóc Trăng để dự đám cưới anh trai. Chúng tôi cho nhau số điện thoại, hẹn khi nào rảnh thì gặp, nhưng sau vài lần nhắn tin qua lại, thấy bạn không nhắc gì đến việc muốn gặp nhau, tôi đã không liên lạc với bạn nữa.

Người thứ ba mà tôi chủ động liên lạc trong những ngày đầu chân ướt chân ráo ra đây là chị H., cũng tình cờ, tôi tìm được Facebook của một bạn đại học cũ. Sau khi nhắn tin hỏi thăm, bạn biết tôi đang làm ở Phú Quốc, nên bảo, có H. cũng đang làm ở đó. H. không học chung với tôi nhưng cũng cùng khóa và cùng khoa Du lịch – Khách sạn, nên tôi cũng có biết mặt, chỉ là chưa bao giờ trò chuyện cùng. Tôi add Facebook của H., nhưng ít lâu sau mới trò chuyện, vì tôi cứ nghĩ, H. lớn tuổi hơn tôi, làm ở đây, chắc đã có gia đình ở đây rồi. Nhưng không, sau khi trò chuyện tôi mới biết H. cũng như tôi, vẫn độc thân, mới bỏ việc ở Sài Gòn ra Phú Quốc làm, trước tôi hai tháng. Cùng là lần đầu tiên ra đảo, xem như cùng có duyên với Phú Quốc, và nhờ đó, chúng tôi có duyên trở thành bạn.

  Ảnh chụp cùng chị H. ở resort Mai Phương
Nhờ đó, tôi có bạn cùng đi chơi trong những ngày đầu ở đảo. H. quay lại Sài Gòn trước tôi khoảng 4 tháng, cảm giác một mình và ít bạn bè trên đảo sẽ rất khổ sở, nên tôi mong muốn qua bài viết để tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho những ai giống như tôi: một mình, lần đầu tiên đến Phú Quốc để làm việc, rằng hãy mạnh mẽ, độc lập, và tin tưởng bản thân mình.

Những ngày đầu lúc chưa quen biết ai, tôi có cảm giác như đang ở một thế giới khác, cứ thấy mọi thứ sao sao đó: vô định, trông trống trong lòng. Nhưng rồi, chừng ba tuần, tôi đã có thể quen với mọi thứ: quen với những con đường đầy đất đỏ, bụi mù và vắng người, quen với khung cảnh, không khí, cách làm việc, thức ăn, chỗ ở,… Có lẽ một phần do tôi hay thay đổi môi trường làm việc, nên có khả năng thích ứng nhanh.


Thật ra Phú Quốc gần lắm, chỉ cách TP. Hồ Chí Minh chừng 30 phút bay thôi.
Vậy, cuộc sống ở Phú Quốc như thế nào? Đừng sốt ruột, tôi vào phần chính ngay đây.

1. Việc làm
Tôi đang nói đến việc tuyển dụng nhân viên, không phải cấp quản lý.
Phú Quốc là huyện đảo xa xôi, nên thông tin tuyển dụng việc làm sẽ không được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà chủ yếu là qua truyền miệng, hoặc quen biết.

Nếu như bạn không có ai quen biết, cũng chẳng biết thông tin gì về nơi muốn xin vào làm việc, thì phải tự thân vận động tìm email của phòng nhân sự mà gửi hồ sơ xin việc, hoặc cũng có thể làm một chuyến đến đảo, ăn dầm ở dề và gõ cửa từng nơi hòng “rải” đơn xin việc.

Những việc dễ tìm ở Phú Quốc là: lái xe (taxi), nhân viên bán hàng (ngọc trai, shop quà lưu niệm ở chợ), hướng dẫn viên du lịch, nhân viên trong khách sạn (thường xuyên tuyển các vị trí: tiếp tân, phục vụ nhà hàng, bảo vệ…).

Nếu may mắn như tôi, bạn có thể dạo quanh các trang tuyển dụng trên Internet, để lại hồ sơ trực tuyến của mình, đề nơi mong muốn làm việc là ở Phú Quốc, hoặc chăm chỉ xem có công ty nào ở Phú Quốc đăng tuyển hay không thì ứng tuyển.

Nếu được gọi phỏng vấn, nếu bạn ở xa, có thể thương lượng xin được phỏng vấn qua email, điện thoại hay online (như qua Skype call).

Để tìm được việc, ngoài năng lực, trình độ của bạn, kiên nhẫn, may mắn và có duyên nữa thì mới được.

Nếu được nhận, bạn phải hỏi rõ về chỗ ăn ở, chế độ… hay những lợi ích khác mà bạn mong đợi. Chọn ngày đi làm, rồi… vác ba lô lên và đi thôi.

Về mức lương, phải nói mặt bằng lương ở đây khá thấp, so với mức sống quá cao cho cuộc sống ở đảo (vì mọi thứ đều phải chuyên chở từ đất liền sang). Nếu làm trong ngành dịch vụ, tiền kiếm thêm bên ngoài mới đủ cho những thứ bạn phải chi trả. Tuy nhiên, vì ở đây dịch vụ giải trí không có gì nhiều, bạn không bị lôi kéo vào việc đó mà tốn tiền, nên bạn sẽ để dành được, đó là điều chắc chắn.

2. Chỗ ở, điện, nước

Huyện đảo Phú Quốc có hai thị trấn: Dương Đông và An Thới, trong đó, Dương Đông được xem như thủ phủ, là trung tâm của huyện đảo, vì nơi này có sân bay quốc tế mới khai trương hồi tháng 12/2012 vừa rồi, và tập trung đa số các khách sạn, khu nghỉ dưỡng của đảo. Nếu công ty nơi bạn chuẩn bị làm việc không lo về chỗ ở, bạn có thể nhờ đồng nghiệp mới của mình dò hỏi, hoặc ở chung với họ. Giá thuê phòng ở Dương Đông không đắt lắm, tùy vị trí xa hay gần trung tâm thị trấn, cũ hay mới, chật hay rộng, mà một phòng rộng rãi đủ cho 3-4 người thuê mất từ 400.000 đ – 1.200.000 đ. Bạn có thể bỏ ra vài ngày đầu thuê nhà nghỉ ở Phú Quốc, rồi dò hỏi dân địa phương, nhất là các chú xe ôm để tìm thuê phòng trọ.

Điện của đảo dùng từ máy phát, nên giá đắt, khoảng 5.000 đ/kw điện cho hộ gia đình, ở trọ thì chắc đắt gấp đôi, gấp ba. Trong tương lai gần Phú Quốc sẽ được kéo điện từ đất liền, nghe nói là do Nhật đầu tư xây dựng gì đó. Hi vọng sẽ có sớm, thì giá điện sẽ thấp. Hiện tại, trên đảo có một số khu dân cư xa xôi vẫn chưa có điện.

Ở Dương Đông có nhà máy nước, nên nước của dân cư gần trung tâm Dương Đông là nước máy, nhưng nhiều lúc cúp nước cả ba ngày trời. Những vùng xa thì dùng nước giếng, nên độ nhiễm phèn cao hơn, dễ làm quần áo đổi màu, hay đồ vật bằng kim loại mau rỉ sét. Tôi hiện chưa cập nhật được giá nước.

3. Ăn uống

Nhìn chung khẩu vị của người Phú Quốc cũng như người miền Tây nói chung là thích ăn ngọt. Nếu bạn đã quen với thức ăn ở Sài Gòn thì khẩu vị thức ăn ở đây cũng tương đương.

Phú Quốc nhiều hải sản, nên món chả cá luôn sẵn có và có mặt ở hầu hết các món ăn: cơm, bún, bánh canh, hủ tiếu, mì,… thậm chí trong cả cháo nữa.

4. Cơ sở vật chất
Ở thị trấn Dương Đông và An Thới chỉ có vài con đường chính được trải nhựa, bê tông tốt, còn lại, vẫn là những con đường đầy đá sỏi, đất đỏ, quanh co, nhiều ổ voi ổ gà, và bụi mù. Người Phú Quốc chạy xe khá ẩu, khi sang đường ít khi bật đèn xi nhan, tuy nhiên, hầu hết đều tuân theo quy tắc đèn giao thông xanh đỏ (lạ thật!). Thanh niên Phú Quốc vì rảnh mà thường xuyên nhậu nhẹt, say xỉn, nên tai nạn giao thông ở đây rất nhiều. Công an giao thông Phú Quốc nghe nói rất gắt gao, tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nhìn thấy các anh ấy cả, mà chỉ nghe kể lại vụ bắt xe vì chạy quá tốc độ của người này, phạt đỗ xe dưới lòng đường của người kia. Họ chơi núp lùm chăng?

Các cơ sở vật chất khác có như trường học cấp I, II, III, bệnh viện (nghe nói chữa trị không tốt), úy ban nhân dân, bưu điện, điện lực… đều có đủ. Ngân hàng và trụ ATM cũng tương đối đầy đủ với: Vietcombank, Sacombank, BIDV, Á Châu, Kiên Long.

6. Giải trí, mua sắm
Các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán bar, karaoke, quán cafe, kem… tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, cuộc sống về đêm ở đây không quá ồn ào, mà chỉ tập trung ở một số khu vực dành cho khách du lịch, và giá cả những nơi này cũng đắt đỏ.

Tại Dương Đông có chợ Dương Đông, và chợ đêm Dinh Cậu. Chợ Dương Đông thì bán các mặt hàng thiết yếu cũng đầy đủ, nhưng không phong phú, đa dạng để lựa chọn. Còn chợ đêm Dinh Cậu thì chỉ bán hàng lưu niệm và thức ăn cho du khách.

Các cửa hàng quần áo, giày dép, mũ nón, điện thoại, tiệm cắt tóc, thẫm mì… tại Dương Đông cũng có mặt đầy đủ, nhưng chủng loại không đa dạng và giá cả cũng đắt hơn so với hàng hóa ở đất liền.

Tại Dương Đông, văn phòng dịch vụ Mobifone khá lớn nằm trên đường Nguyễn Trung Trực, nhân viên phục vụ tương đối vui vẻ, lịch sự, ngoài ra, siêu thị nhỏ Minimax Dương Đông cũng nằm trên đường này, nhưng không cùng phía, và bán hầu hết các mặt hàng cực đắt.

Tôi không tìm ra nhà sách công cộng nào ở Dương Đông, chỉ thấy có một thư viện nhỏ xíu và vài hiệu sách nhỏ lẻ, nên nếu muốn đọc sách, chắc bạn chỉ có thể đọc online, hay đi thuê về đọc.

Rạp chiếu phim là thứ không thể tìm thấy ở trên đảo.

7. Dân cư, con người
Người Phú Quốc có ưu điểm nói chung như người Việt Nam thôi, đó là thân thiện, hiếu khách. Còn khuyết điểm, theo ý nghĩ của cá nhân tôi, rằng họ sân si và hơi thực dụng.

8. Những khó khăn
Thiếu điện, thiếu nước là tình trạng hay gặp ở đảo. Bên cạnh đó, việc ít dịch vụ giải trí lành mạnh cho lớp trẻ, như không có rạp chiếu phim, thiếu nhà sách,… cũng gây nên tâm lý buồn chán. Trong khi đó, Internet, Wifi và D-com 3G trên đảo rất yếu, nên có thể gây ức chế khi sử dụng.

Khí hậu Phú Quốc cũng như khí hậu miền Nam nói chung, mùa hè thì nóng, dù là ở đảo, biển bốn bề, còn mùa đông thì cũng lạnh tê tái vào khuya và sáng sớm. Mùa nào muỗi cũng nhiều, tầm chạng vạng.

Phú Quốc còn hoang sơ và nhiều nơi rất đẹp, tuy nhiên, do ý thức của người dân vẫn còn kém, nên nhiều nơi người dân, kể cả khách du lịch không có ý thức bảo vệ môi trường.

 Rác thải bị vứt bừa bãi…
**************************************************************************
Nếu trả lời được hết những câu hỏi dưới đây, bạn sẽ không còn băn khoăn trước lựa chọn làm việc hoặc định cư ở Phú Quốc.
– Bạn có chịu đựng được: thiếu nước, thiếu điện, Internet yếu, và nhiều muỗi hay không?
– Bạn có hay thiếu kiên nhẫn, nóng tính, bốc đồng hay không?
– Bạn có dễ buồn chán, có thích đổi mới, thích những điều thú vị không?

 Khung cảnh tuyệt đẹp như thế này,…

 nhìn mãi cũng sẽ thấy chán…
Đối với những ai muốn đi xa để quên đi nỗi đau, quên đi quá khứ, hay chữa lành vết thương lòng,… thì theo ý kiến cá nhân tôi, Phú Quốc chắc chắn không phải là một nơi tốt để bạn làm được điều đó. Còn vì sao? Bạn cứ tự khám phá đi.

Cuối cùng, tôi nghe đồn rằng, “Phú Quốc đi dễ khó về”. Không ít người đến đây làm việc, rồi phải lòng dân đảo, và đã ở lại định cư, lập nghiệp luôn, mà việc này, dành cho nam nhiều hơn cho nữ. Phải chăng nữ giới Phú Quốc có sức hấp dẫn lớn thế sao, bạn có muốn tìm hiểu?
*************************************************************************
Cập nhật ngày 17/02/2014
– Ngày 02/02/014 thì Phú Quốc đã có mạng lưới điện quốc gia được kéo từ Hà Tiên sang, như vậy, giá điện chắc chắn sẽ rẻ hơn và ít gặp tình trạng cúp điện hơn.

– Ngày 14/02/2014 thì Phú Quốc đã có chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Nga đến.

– Sẽ thành lập đặc khu hành chính – kinh tế Phú Quốc trực thuộc trung ương lộ trình đến năm 2020. Hi vọng điều này sớm trở thành sự thật.

Nếu còn lo lắng khi quyết định ra đảo lập nghiệp, bạn hãy vứt bỏ mục đích “lập nghiệp” to tát, mà hãy xem như có một trải nghiệm mới cho cuộc đời của bạn. Rồi bạn sẽ có quyết định tiếp theo.

 18 thoughts on “Cuộc sống ở Phú Quốc”
khanh
Rất chi tiết, thank you.
Trả lời

T.Q.K
03/07/2014 at 21:58
Cảm ơn chị đã chia sẻ, có rất ít thông tin đọc được như thế này…
Có lẽ em sắp tới Phú Quốc làm việc, nhân viên phục vụ tại Salinda resort & spa_là resort quốc tế 5 sao đầu tiên tại đây. Tháng 11 sẽ xuất hiện Vinpearl Phú Quốc. Và những năm tới, các thương hiệu khách sạn và nghỉ dưỡng nổi tiếng thế giới cũng đi vào hoạt động…Em đoán là, Phú Quốc sẽ phát triển mạnh từ năm tới trở đi
Em có thể kiếm được việc tốt ở SG, nhưng Phú Quốc đơn giản là trải nghiệm mới…
Tại nơi làm việc này, nhân viên như em được cty lo cho nhà ở và ăn uống. Nên toàn bộ mức thu nhập sẽ không phải chi trả gì nhiều. Em không biết là với mức thu nhập khoảng 5.5tr/ tháng có sống tốt tại PQ không ?

An Việt Nam
04/07/2014 at 08:33
Ngoài đó cũng có cái The Shell 5 sao mở trước Salinda đó em, nhưng có lẽ “sao” tự phong chứ chưa được cấp chứng nhận của Tổng cục du lịch. Với mức lương như trên, nếu không ăn nhậu chơi bời thì còn dư đó em

shinbeo
23/05/2014 at 14:08
Cảm ơn bạn về những thông tin bổ ích trên. Mình hiện cũng đang ở Sài Gòn và có ý định ra Phú Quốc làm việc. Hi vọng sau này sẽ có thể trao đổi với bạn nhiều hơn. Thân

thonglh
10/04/2014 at 09:31
Bài viết hay, rất trải nghiệm…..
Trả lời

Bình Khùng
15/02/2014 at 23:30
Em cảm ơn chị về bài viết nhiều lắm !!!

Cảm ơn vì bài viết rất chân thực
14/02/2014 at 16:50
Mình đã tìm rất nhiều những thông tin về Phú Quốc, nhưng có lẽ bài viết này là hữu ích hơn cả. Cảm ơn bạn đã chia sẻ những trải nghiệm chân thực này.

Phạm Linh
04/10/2013 at 23:01
Thực sự cảm ơn chị An rất nhiều về những thông tin bổ ích này. 2/11 này em ra Phú Quốc để làm việc, may là có người quen ở đó, nhưng cũng ko thân lắm nên em cũng ko muốn nhờ vả nhiều. Nếu chị còn ở PQ thì hy vọng ngày nào đó sẽ gặp được chị.

Tuyen Huynh
06/08/2013 at 15:19
Cảm ơn chị rất nhiều, bài viết này đã cung cấp cho em một nguồn thông tin khá cần thiết khi chuẩn bị lập nghiệp ở đảo.

kim cuc
28/05/2013 at 11:18
tớ cũng đang có một ý nghĩ mà nhiều ng cho là điên rồ là ra Phú Quốc hoặc Kiên Hải nhưng ko biết có đi đc không

An Việt Nam
28/05/2013 at 11:29
Bạn cứ thử xem sao.

phamminhhoa
10/05/2013 at 22:53
khung cảnh đẹp quá. không biết khi nào mới có dịp đến đó